Chọn ngành chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nói nghe thì dễ, vì chỉ là chọn ra cái gì mình thích thôi mà. Nhưng hiểu được bản thân mình đã là việc khó. Để kiên định đi theo lựa chọn ấy, vượt lên những khó khăn trên đường đi làm cho mình cảm thấy tự nghi ngại còn khó hơn. Nhất là những ngành cần đến sự sáng tạo thì ôi thôi, dọc đường đi là muôn vàn chê trách, phê phán, tự vấn, dằn vặt. Khi bạn quyết định đi theo một nghề mà không có một công thức tiêu chuẩn, trắng hoặc đen hay 1+1=2, bạn cần có một độ “lì” để trước những nghi ngại của người khác (chắc chắn sẽ có), bạn không tự nghi ngại chính mình.
Trước khi chọn ngành, bạn cần hiểu rõ một điều rằng nghề của bạn cuối cùng sẽ phải do bạn quyết định, bất kể bạn có nghe được bao nhiêu ý kiến của những người xung quanh. Mỗi ý kiến của người khác đơn thuần chỉ là quan điểm của một người dựa trên thế giới quan và những ưu tiên của cá nhân người ấy. Đến cuối cùng, chỉ có bạn là người biết lựa chọn đúng đắn dành cho mình.
Hiểu được điều này rồi, bạn có thể tự hỏi 3 câu hỏi mà mình đã đúc kết được để có thể chọn ra ngành nghề dành cho bạn. Thử xem sao nhé:
Nội dung
1. Shit Sanwich của bạn là gì?
Trước đây mình từng đi làm Stylist và Phóng viên thời trang
Nghe hơi kinh đúng không? Vì đó đúng là kinh thật đó. Sẽ không bao giờ có nghề nghiệp nào cho bạn một chuỗi ngày màu hồng và con đường thẳng đầy hoa để “không ngày nào bạn cảm thấy phải làm việc”. Bạn ơi, bạn sẽ phải làm việc mỗi ngày, bạn sẽ thấy thử thách mỗi ngày. “Làm việc” là một thứ rất thật, không phải ảo ảnh mơ hồ của thứ bạn gọi là “đam mê” đâu. Nhưng ngành nghề dành cho bạn sẽ cho bạn cảm giác mọi vất vả, khó khăn là xứng đáng.
Để bạn dễ hình dung hơn, mình lấy ví dụ khi bạn chạy bộ. Mệt, đau, mồ hôi mồ kê, hụt hơi, chuột rút, khô họng, nhưng khi bạn đẩy bản thân bạn đến tận cùng giới hạn vận động của mình, ngay sau đó bạn sẽ cảm thấy một cảm giác như “ma tuý tự nhiên” vậy đó, nó là một năng lượng tuyệt vời và nó gây nghiện, và nó xứng đáng với từng giọt mồ hôi, từng nỗ lực ăn cho hết cái “shit sandwich” của việc chạy bộ mà bạn đã làm. Ngành nghề dành cho bạn chính là thứ sẽ cho bạn cảm giác tương tự như vậy, sau khi bạn đã đẩy mình vượt qua khó khăn và ăn hết cái “shit sandwich” đặc trưng của nghề đó.
Shit sandwich của bạn là gì?
2. Thứ gì đến tự nhiên nhất với bạn?
Bạn cần nghĩ lại thời bạn còn bé. Đó là lúc bạn làm những thứ bạn muốn làm một cách tự nhiên nhất mà không tính toán việc này nó mang lại tiền không, việc này mình có giỏi không. Mình thực sự tin mỗi người sinh ra đều có một “vùng” (zone) riêng của mình và điều đó có thể thấy ngay khi còn bé.
Ví dụ, khi chưa đi học mình thích nhất là chơi đồ hàng. Mình ám ảnh với việc sắp xếp mọi thứ đồ hàng vào thứ tự của nó. Những bộ đồ chơi nhà mô hình để sắp xếp đồ đạc làm cho mình rất ham. Biết chữ rồi, mình viết nhật ký. Mình viết suốt ngày, có lần mình làm bài tập làm thơ bị cô giáo cho 1 điểm vì tưởng mình chép trong sách nào ra. Sau này đi du học, mình thích nhất việc đi party, gặp gỡ bạn bè ở những đất nước khác, tôn giáo khác, màu da khác vì mình được nghe họ kể về họ, những sự quá khác biệt về cách họ nghĩ, cách họ sống. Tất cả những thứ đó đều là những thứ bản năng nhất, đến với mình một cách tự nhiên nhất.
Cuối cùng mình quyết định đi theo ngành marketing, nơi mình được viết, được sản xuất nội dung mệt nghỉ, được sắp xếp những miếng ghép của các chiến dịch quảng bá vào thứ tự của nó. Mình được gặp gỡ nhiều người, được quan sát và tìm hiểu thói quen cũng như sở thích của người dùng. Một công việc hoàn hảo.
Có thể sẽ hữu ích dành cho bạn:
Hãy dành thời gian nghĩ về cuộc sống của bạn từ trước đến giờ và nghĩ lại những thứ bạn thích nhất. Kể cả những thứ bạn nghĩ là trẻ con và vô bổ như chơi đồ chơi hay nghịch giun, tất cả những thứ bạn thích làm một cách bản năng nhất có thể là một phần trong ngành nghề của bạn. Mình khuyến khích bạn nói chuyện với vài người gần gũi với bạn nhất, nhờ họ nhận xét bạn một cách khách quan nhất có thể. Nhiều khi họ quan sát được những điểm mạnh mà chính bạn còn không để ý đấy.
3. Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn?
Đây là lý do không ai có quyền chọn nghề thay cho ai. Trong đời mỗi người đều có ưu tiên của mình. Có người muốn tiền, có người muốn chức danh long trọng, có người muốn thời gian dành cho gia đình, có người muốn cảm giác mang lại giá trị cho người khác, có người muốn sự yên tĩnh trong đầu. Những ưu tiên đó nằm ở những công việc, ngành nghề, lựa chọn rất khác nhau. Đừng để bất cứ ai thuyết phục bạn rằng trong công việc, tiền là quan trọng nhất, hay “giờ giấc cố định” là quan trọng nhất, trong khi bạn không nghĩ vậy. Muốn hạnh phúc hãy đi theo những giá trị quan trọng nhất đối với mình.
Nếu có một ngày nào đó, mình quyết định nghỉ việc full-time ở nhà viết blog để lúc nào cũng được làm việc giữa một đàn mèo, thì đó là lựa chọn làm mình cảm thấy hạnh phúc. Mình không quan tâm đến mức thu nhập hay “độ thành công” mà xã hội nghĩ ở tuổi mình phải có.
Hy vọng 3 câu hỏi trên có thể giúp bạn chọn ngành. Hãy bắt đầu bằng thứ bạn thực sự yêu thích, bất kể đó không phải là nghề “thu nhập cao” hay “được trọng vọng”. Dù bạn chỉ là một người dọn rác, dù cả ngày bạn chỉ có quét và quét, hãy luôn cố gắng là người quét sạch nhất mà bạn có thể trở thành.
Theo: giangoi.com