Hồ sơ xin việc là bước đầu tiên chúng ta “quảng bá” bản thân với nhà tuyển dụng. Do đó, nếu xuất phát điểm không tốt thì sẽ bị loại khỏi cuộc đua ngay lập tức. Vậy một hồ sơ xin việc như thế nào sẽ gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng?
Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển ở mọi khía cạnh của cuộc sống và cách mạng hóa quá trình tuyển dụng nhân sự dành cho nhà tuyển dụng, các công ty đã bắt đầu sử dụng Hệ thống quản lí tuyển dụng Applicant Tracking System (ATS) như một công cụ để lọc các ứng viên phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng, hệ thống sẽ quét tất cả hồ sơ với một số từ khóa cụ thể, và một số yếu tố theo ngữ cảnh, do đó mà nhà tuyển dụng không còn phải đọc từng CV xin việc từ mỗi ứng viên. Đương nhiên điều này sẽ “không may” cho một số ứng viên khi hồ sơ xin việc của họ bị thiếu sót một vài yếu tố so với hệ thống đã lập trình và quy định sẵn.
Sai lầm lớn nhất đối với nhiều người khi đi xin việc chính là nêu ra quá nhiều những gì mà mình có trong CV. Hãy nhớ rằng CV phải chứa đựng cái nhà tuyển dụng cần, chứ không phải thứ bạn có. Do đó việc đầu tiên bạn cần làm chính là tìm hiểu về nhà tuyển dụng nơi bạn xin việc, nên biết họ muốn gì và cần gì ở các ứng viên. Vậy như thế nào là cách viết một CV xin việc ấn tượng?
Trình bày Layout
Cách hồ sơ xin việc của bạn đươc trình bày như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cách bạn được nhà tuyển dụng đánh giá và cảm nhận. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết rằng font chữ, kích thước font chữ và màu chữ của Resume có thể giúp hoặc gây cản trở cơ hội nhận phản hồi từ nhà tuyển dụng. Mỗi lĩnh vực nghề nghiệp có các tiêu chuẩn khác nhau, tuy nhiên yêu cầu chung là một hồ sơ xin việc cần phải rõ ràng, gọn gàng, đơn giản và màu sắc tao nhã.
Một số lưu ý chính khi trình bày hồ sơ xin việc:
- Sử dụng font chữ thông dụng như Times New Roman, Arial, Tahoma. Cỡ chữ 12-13, các tiêu đề có thể để cỡ to hơn. (có thể bạn muốn tìm hiểu 5 font chữ nên sử dụng khi viết CV xin việc tốt hơn cả Times New Roman )
- Nên liệt kê thông tin dưới dạng bullet để nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt ý chính trong CV của bạn. Những đoạn quá dài sẽ khiến họ chán nản khi ngập chìm trong hàng tá hồ sơ.
- Giãn cách dòng vừa phải và hợp lý theo nguyên tắc Gestalt. Tức là những thông tin giống nhau được đặt gần nhau. Ví dụ, bạn nên để nhiều khoảng trống hơn giữa thông tin liên lạc và thông tin về trình độ/ nền tảng giáo dục, còn các thông tin về trường đại học và các khóa học khác sẽ có khoảng trống nhỏ hơn.
- Lưu hồ sơ xin việc dưới dạng file PDF để CV của bạn trông chuyên nghiệp hơn.
Phần đầu
Nửa đầu của hồ sơ xin việc là khu vực nhà tuyển dụng dành thời gian để đọc lướt nhanh và tìm hiểu thông tin liên lạc, giáo dục và kỹ năng của bạn. Không nên dài dòng và “hời hợt”, đặc biệt là khi cần làm nổi bật kỹ năng của bạn. Nếu phần này bạn không có gì để thu hút nhà tuyển dụng, thì có thể bạn sẽ bị bỏ qua.
Kỹ năng
Kỹ năng cần thiết là những kỹ năng liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công việc đang ứng tuyển. Bao gồm cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. Nhưng nếu nêu một cách sáo rỗng thì cũng chẳng được lợi ích gì. Bạn cần chứng minh thực tế qua các hoạt động cũng như công việc mà bạn đã thực hiện. Đây là một cách để bạn thể hiện bản thân trong những kỹ năng xin việc làm.
1. Các kỹ năng cứng
Bao gồm các kỹ năng có thể định lượng được và thường được học từ nhà trường hoặc từ công việc trước đó. Vận hành máy móc, lập trình ngôn ngữ, thiết kế đồ họa, tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm (SEO), hay phân tích dữ liệu đều là các kỹ năng cứng.
2. Các kỹ năng mềm để đưa vào hồ sơ xin việc
Kỹ năng mềm còn gọi là kỹ năng con người mang tính chủ quan cho nên việc đánh giá sẽ khó hơn. Ví dụ nghĩa cụm từ “các kỹ năng giao tiếp tốt” của một người xin việc có thể không khớp với định nghĩa của nhà tuyển dụng. Nói trước đám đông, giao tiếp, kiên nhẫn, ra quyết định và giải quyết xung đột đều là các kỹ năng mềm.
Các kỹ năng công việc cụ thể thường được yêu cầu cho một công việc cụ thể nào đó trong khi các kỹ năng chuyển đổi lại liên quan đến nhiều lĩnh vực và vai trò khác nhau. Ví dụ một người làm phim hoạt hình có kỹ năng mô phỏng 3D, quản lý thời gian và các kỹ năng về giao tiếp. Kỹ năng mô phỏng 3D sẽ không hữu ích sau khi anh ta trở thành một lập trình viên hay công việc bán hàng nhưng những kỹ năng còn lại sẽ vẫn còn có ích cho công việc mới.
Phần cuối của hồ sơ xin việc
Phần dưới cùng của một CV xin việc là nơi bạn nên liệt kê các kinh nghiệm, chuyên môn của mình. Đối với mỗi vị trí ứng tuyển, đừng quên bao gồm chức vụ công việc mà bạn đảm nhận, và những dự án, công việc nào mà bạn đã hoàn thành. Sử dụng các động từ chỉ “hành động” và các con số để mô tả về thành tích nổi bật của bạn, vì chúng giúp diễn tả ngắn gọn và sinh động hơn về các thành tích mà bạn đã đạt được.
Hiện nay, CV là phần không thể thiếu của bất kì ai trong quá trình ứng tuyển và tìm việc làm. CV được coi là cánh cửa đầu tiên mà bạn phải vượt qua để tìm được công việc mơ ước. Vì vậy, dựa vào những hướng dẫn trên bạn nên đầu tư thời gian và công sức để có được bản CV thật ấn tượng và thuyết phục được những nhà tuyển dụng khó tính. 1001vieclam chúc bạn thành công!
Theo www.theladders.com (YourCoffeeBreak.co.uk)